Gia đình tôi có mảnh đất trồng cây hàng năm khác được nhà nước giao từ năm 1994. Tuy nhiên, do thời gian gần đây năng suất trồng cây hàng năm giảm không đủ bù chi phí nên tôi đã tự ý đào ao nuôi cá mà không làm thủ tục chuyển đổi theo quy định của Luật Đất đai.
Cơ quan quản lý nhà nước phát hiện và lập biên vi phạm hành chính xác định hành vi vi phạm là chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ. Đề nghị Anh/chị cho tôi biết hành vi vi phạm của tôi bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?
Trả lời:
Điều 12 Luật đất đai quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong quá trình sử dụng đất đai gồm:
1. Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai.
2. Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố.
3. Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích.
4. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
5. Nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.
6. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
8. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai.
9. Không cung cấp hoặc cung cấp thông tin về đất đai không chính xác theo quy định của pháp luật.
10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Bạn có nêu gia đình bạn có mảnh đất trồng cây hàng năm được nhà nước giao từ năm 1990. Tuy nhiên, do thời gian gần đây năng suất trồng cây hàng năm giảm không đủ bù chi phí nên bạn đã tự ý đã đào ao nuôi cá mà không đăng ký với cơ quan nhà nước là vi phạm vào điều cấm quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật đất đai là “sử dụng đất không đúng mục đích”. Trường hợp bạn muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì bạn cần phải làm thủ tục chuyển đổi theo quy định của pháp luật. Sau khi được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền bằng văn bản bạn mới chuyển sang đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ.
Tại Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định về việc chuyển mục đích sử dụng đất tại Điểm b khoản 1 Điều 57 các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đó có “Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm”. Đồng thời người sử dụng đất phải có nghĩa vụ “Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan” theo quy định tại khoản 1 Điều 170 Luật đất đai. Theo như bạn nêu nhà nước đã giao đất cho bạn để trồng cây hàng năm khác từ năm 1994. Tuy nhiên, bạn đã tự ý chuyển mục đích sử dụng sang thành đất nuôi cá là vi phạm vào điều cấm quy định trong Luật đất đai, đồng thời không thực hiện đúng trách nhiêm và nghĩa vụ của người sử dụng đất nên cơ quan nhà nước phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính xác định hành vi vi phạm là chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao là phù hợp với quy định pháp luật về đất đai.
Hành vi của bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai như sau:
1. Chuyển đất trồng cây hàng năm khác sang đất nuôi trồng thủy sản nước mặn, đất làm muối, đất nuôi trồng thủy sản dưới hình thức ao, hồ, đầm thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
Mức phạt trên là áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm sảy ra tại khu vực nông thôn. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
Ngoài phạt tiền người vi phạm còn bị áp dụng Biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a, c khoản 4 Điều 11 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP như sau:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.
Do bạn không nêu cụ thể diện tích đất chuyển đổi nên để xác định mức phạt cụ thể bạn phải căn cứ diện tích tương ứng với mức phạt nêu trên và áp dụng theo nguyên tắc phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính “4. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”. Ngoài phạt tiền bạn còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Khánh Linh
Tác giả bài viết: Khánh Linh
Nguồn tin: pbgdpl.hanoi.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn