Những vướng mắc trong triển khai Nghị định số 139/2017/NĐ-CP

Thứ bảy - 16/05/2020 20:14
Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng tiếp tục cho phép sử dụng biện pháp cắt điện, cắt nước là biện pháp để dừng thi công đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng) nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực trât tự xây dựng

Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng tiếp tục cho phép sử dụng biện pháp cắt điện, cắt nước là biện pháp để dừng thi công đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng) nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực trât tự xây dựng

Xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự xây dựng hiện đang được thực hiện theo các quy định của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở; Thông tư số 03/2018/TT-BXD ngày ngày 24 tháng 4 năm 2018 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở và một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Quá trình triển khai thực hiện trên thực tế người có thẩm quyền xử phạt gặp phải một số vướng mắc, bất cập trong viêc thực thi pháp luật liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng.

1.Khó khăn vướng mắc:

1.1. Về áp dụng biện pháp dừng thi công xây dựng làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng quy định tại khoản 12, khoản 13 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

-Thứ nhất: Đối với việc áp dụng các biện pháp dừng thi công đối với các công trình xây dựng quy định tại khoản 12, khoản 13 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Theo quy định của Khoản 12, Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và Điều 5 Thông tư số 03/2018/TT-BXD thì đối với các hành vi xây dựng công trình xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp hoặc xây dựng công trình không có giấy phép mà theo quy định phải có giấy phép mà đang thực hiện thì người có thẩm quyền phải tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển đến người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn 60 ngày nêu trên tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Tuy nhiên thực tế triển khai pháp luật không quy định cụ thể biện pháp dừng thi công công trình xây dựng vi phạm cụ thể là gì.

Trước khi có Nghị định 139/2017/NĐ-CP một trong các biện pháp để dừng việc thi công công trình vi phạm là ra quyết định đình chỉ việc thi công công trình và thực hiện việc cắt điện, cắt nước đối với công trình vi phạm. Nội dung này được quy định cụ thể tại Nghị định 180/2007/NĐ-CP. Nghị định này cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công an, cơ quan cung cấp dịch vụ điện, nước và các cơ quan liên quan khác trong việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước đã phát huy hiệu quả trong việc xử lý các công trình vi phạm, là biện pháp đơn giản, dễ thực hiện và ít tốn kém, giúp xử lý nhanh những địa bàn “nóng” về trật tự xây dựng, ngăn chăn ngay hành vi vi phạm không để kéo dài. Hiện nay, Luật Xây dựng năm 2014 không quy định về việc áp dụng biện pháp ngừng cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng cũng không quy định việc ban hành quyết định đình chỉ thi công công trình xây dựng. Do vậy, trên thực tế, nhiều trường hợp mặc dù đã bị lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục thi công xây dựng, tăng diện tích vi phạm dẫn đến khi ban hành quyết định cưỡng chế, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và thời điểm tiến hành tháo dỡ thì công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

-Thứ hai: Thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với các công trình quy định tại khoản 12, khoản 13 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP

Theo quy định của Khoản 12 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, Điều 5, Thông tư 03/2018/TT-BXD thì đối với các công trình xây dựng sai nội dung giấy phép được cấp hoặc xây dựng công trình không có giấy phép mà theo quy định phải có giấy phép mà đang thực hiện thì trong thời hạn tối đa 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm có trách nhiệm thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng và xuất trình người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng được cấp hoặc được điều chỉnh. Như vậy, theo các quy định này không phân biệt trường hợp đủ điều kiện cấp phép hay không đủ điều kiện cấp phép đều quy định trong thời hạn 60 ngày tổ chức, cá nhân vi phạm phải làm thủ tục xin cấp Giấy phép xây dựng, nếu quá 60 ngày mà không có giấy phép xây dựng hoặc không điều chỉnh giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm. Quy định này không thật sự phù hợp với thực tế, vì nhiều trường hợp vi phạm khi lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt đã biết trường hợp này là không thể và không được cấp giấy phép xây dựng (không phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt; không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng…)  nên việc quy định thời hạn 60 ngày đối với trường hợp này để xin phép xây dựng là không cần thiết và gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm, vì để thời gian càng dài thì sẽ phát sinh thêm vi phạm và khi cưỡng chế sẽ gây thiệt hại cho cả người vi phạm và cả nhà nước

1.2. Xử lý các công trình vi phạm tại nông thôn.

Theo Luật Xây dựng 2014, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn là công trình được miễn giấy phép xây dựng nhưng khi khởi công công trình Chủ đầu tư xây dựng công trình ở nông thôn có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, lưu hồ sơ( Điều 89). Trên tinh thần đó Nghị định 139/2017/NĐ-CP cũng không quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình là nhà ở riêng lẻ tại nông thôn xây dựng không giấy phép, sai giấy phép mà chỉ quy định trong trường hợp vi phạm không thông báo, thông báo chậm cho cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương về thời điểm khởi công xây dựng hoặc có thông báo nhưng không gửi kèm hồ sơ thiết kế xây dựng theo quy định đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng ( Điểm b, Khoản 1 Điều 14). Tuy nhiên thực tế việc xác định nông thôn và đô thị để quyết định có hay không áp dụng Nghị định 139/2017/NĐ-CP vẫn còn có những quan điểm khác nhau ( ví dụ: trường hợp xã thuộc thành phố thì là đô thị hay nông thôn)

Quan điểm thứ nhất, theo Luật Quy hoạch đô thị “Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn”  như vậy toàn bộ các đơn vị hành chính thuộc thành phố là đô thị kể cả các xã.

Quan điểm thứ hai, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi “đất ở nông thôn” do đó xã thuộc thành phố là nông thôn. Việc xác định nông thôn hay đô thị rất quan trọng vì điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý trật tự xây dựng như: có hay không cấp giấy phép xây dựng, áp dụng điều khoản trong nghị định 139/2017/NĐ-CP để xử phạt VPHC…

2. Đề xuất kiến nghị:

 Đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định sau để phù hợp với thực tiễn áp dụng, cụ thể:

- Bổ sung các biện pháp cụ thể để dừng thi công đối với các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng khoản 12, khoản 13 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ( xem xét kiến nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính tiếp tục cho phép sử dụng biện pháp cắt điện, cắt nước là biện pháp để dừng thi công đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng) nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực trât tự xây dựng.

- Sửa đổi Khoản 12 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP theo hướng: Đối với trường hợp vi phạm trật tự xây dựng theo quy định của Khoản 12, Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP mà đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng thì tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức vi phạm có 60 ngày để làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Còn đối với những trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng thì quy định theo hướng áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ công trình ngay chứ không để 60 ngày xin giấy phép xây dựng, vì thực tế có để 60 ngày cũng không thể xin cấp giấy phép được. Quy định theo hướng này đảm bảo xử lý kịp thời các công trình xây dựng không phép, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, giảm thiệt hại cho cá nhân, tổ chức vi phạm.

- Bổ sung quy định và có hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý công trình vi phạm tại nông thôn cho phù hợp với thực tiễn thi hành.

-Gia Hưng-

Tác giả bài viết: -Gia Hưng-

Nguồn tin: pbgdpl.hanoi.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đăng kí tư vấn