Tôi bị xử phạt vi phạm hành chính về hai hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đất, do thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhiều lần nên tôi bị áp dụng mức tối đa của khung hình phạt và phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm là 4.000.000 đồng (tổng hợp hai hành vi vi phạm là 8.000.000 đồng).
Chủ tịch UBND cấp xã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tôi. Tôi được biết Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định Chủ tịch UBND cấp xã được ký quyết định xử phạt đến 5.000.000 đồng. Đề nghị Anh/chị cho tôi biết việc Chủ tịch UBND cấp xã ký quyết định xử phạt với tôi như vậy là đúng hay sai?
Trả lời:
Điểm b khoản 1 Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:
“b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng”.
Hiện nay hành vi vi phạm hành chính về đất đai được điều chỉnh bởi Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Theo đó, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã về lĩnh vực đất đai được quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP như sau:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Lưu ý: Thẩm quyền phạt tiền trên là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân đối với chức danh đó.
Ngoài ra, việc xác định thẩm quyền xử phạt còn phải căn cứ vào nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 1, 2, 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính cụ thể như sau:
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ 38 đến 51 của Luật này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định tại Luật này đối với chức danh đó.
Trong trường hợp phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong khu vực nội thành thuộc các lĩnh vực quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 23 của Luật này, thì các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quy định áp dụng trong nội thành.
2. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều này được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
4. Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:
a) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;
b) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.”
Như vậy, đối chiếu với các quy định trên thì trong lĩnh vực đất đai Chủ tịch UBND cấp xã được phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm là 5.000.000 đối với cá nhân và 10.000.000 đồng đối với tổ chức. Trường hợp bạn thực hiện 2 hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai trong cùng một vụ việc vi phạm mà mỗi hành vi vi phạm bị áp dụng mức phạt tiền tối đa là 4.000.000 đồng (tổng hợp hai hành vi vi phạm là 8.000.000 đồng) thì việc Chủ tịch UBND cấp xã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân là đúng với quy định nêu trên bởi vì việc xác định thẩm quyền xử phạt được căn cứ vào mức tối đa của của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
Thủy Nguyễn
Nguồn tin: pbgdpl.hanoi.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn